Site banner
Thứ bảy, 3. Tháng 5 2025 - 3:23

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Tham gia Cánh đồng mẫu, nông dân thay đổi tập quán canh tác

Trung tuần tháng 7-2013, tôi đến Tân Xuân (Ba Tri) tháp tùng cùng các hộ dân thăm Cánh đồng mẫu ở ấp Tân Điểm. Buổi sáng tiết trời vẫn còn se lạnh nhưng các hộ dân thăm đồng vụ lúa Hè - Thu có khí thế hồ hởi. Nông dân Lê Quang Hải tâm đắc: Cây lúa gieo sạ được 50 ngày tuổi, giai đoạn làm đòng, màu xanh mơn mởn, thân to khỏe sẽ cho năng suất cao.

Nông dân tham gia Cánh đồng mẫu bón phân lúa.

Vụ lúa Hè - Thu này cũng là vụ đầu tiên cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang không còn trực tiếp đồng hành cùng nông dân thăm đồng, theo dõi diễn biến về sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa như các vụ gieo sạ trước đây. Công ty chỉ chọn 3 hộ dân làm đầu mối, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh, cách bón phân, thuốc phòng, trừ. 3 hộ dân này chuyển tải  thông tin đến các hộ dân trong Cánh đồng mẫu.

Các hộ dân tham gia Cánh đồng mẫu ở ấp Tân Điểm cho biết, các vụ lúa vừa qua, cán bộ kỹ thuật của Công ty đã cung cấp cho họ rất nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc cây trồng. Phần lớn phương pháp canh tác theo tập quán, thói quen không còn phù hợp đã được loại dần. Nông dân Lê Quang Hải nhớ lại: Cách đây 7 năm, Công ty chọn 1,5ha đất của tôi làm điểm để triển khai mô hình. Thú thật, lúc đầu chúng tôi không tin tưởng lắm nhưng suốt một vụ lúa, ngày ngày cùng cán bộ kỹ thuật thăm đồng, tôi như được cầm tay chỉ việc và đã thích thú lúc nào không biết. Trước đây, vụ lúa Đông - Xuân, lúa thu hoạch được 500kg/công là vất vả lắm rồi. Khi có sự tác động của cán bộ kỹ thuật trong chăm sóc lúa gieo sạ thì năng suất đã vượt lên 600kg/công. Chưa dừng lại, lúa giống gieo sạ từ 25kg/công giảm còn 12kg/công, chi phí thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh giảm được 30%, cộng với 30% nhờ Công ty hỗ trợ.

Ấn tượng nhất đối với các hộ dân tham gia Cánh đồng mẫu ở ấp Tân Điểm là lần đầu tiên tiếp cận với ống gieo sạ hàng. Cán bộ kỹ thuật của Công ty mượn ống gieo sạ hàng đem ra tận đồng ruộng nhưng không hộ dân nào dám đụng vào. Cán bộ kỹ thuật phải trực tiếp cho lúa giống vào ống rồi kéo để gieo sạ. Với kỹ thuật kéo ống gieo sạ thành thạo của cán bộ kỹ thuật, một công đất sạ hàng chỉ tốn 10kg lúa giống. Nông dân lại lo lắng, vì sạ thưa quá năng suất lúa sẽ giảm. Cây lúa gieo sạ được 40 ngày tuổi, đẻ nhánh lấp kín các khoảng trống. Trước đây, 1ha đất gieo thủ công phải tốn 6 ngày công dặm lúa, nay sạ hàng chỉ tốn chưa được 3 ngày công. Lúa chín có hạt vàng, bóng trông rất đẹp.

Hiện có 102 hộ dân ở ấp Tân Điểm tham gia mô hình Cánh đồng mẫu, với 102ha. Nhiều hộ dân có đất canh tác lân cận tuy không tham gia mô hình nhưng vẫn áp dụng theo quy trình sản xuất này, thỉnh thoảng nhờ các hộ dân trong mô hình “tư vấn” kỹ thuật nên cây lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt. Dù Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang không trực tiếp đồng hành bà con trong vụ Hè - Thu này, nhưng các hộ dân đã tự khống chế sâu cuốn lá. Một số bệnh thông thường xảy ra đã được ngăn chặn kịp thời. Cây lúa sinh trưởng đạt yêu cầu và trà lúa rất tốt.

Ông Phạm Văn Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Xuân cho biết, mô hình Cánh đồng mẫu lớn ở ấp Tân Điểm xuất phát từ mô hình liên kết 4 nhà, phòng, chống rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá tại Ba Tri từ năm 2006 đến nay. Mô hình tổ chức canh tác theo những tiến bộ kỹ thuật mới “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Các hộ dân tham gia mô hình áp dụng đồng loạt những giải pháp tiến bộ kỹ thuật như: gieo sạ đồng loạt, tập trung để né rầy theo lịch thời vụ, áp dụng biện pháp IPM trong phòng trừ dịch hại, bón phân đúng thời điểm và áp dụng triệt để biện pháp giảm giống sạ hàng. Hiện, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND và Hội Nông dân xã củng cố Ban chỉ đạo để tiếp tục duy trì mô hình và nhân rộng ra các ấp còn lại. Theo ông Phạm Văn Chiến, mô hình Cánh đồng mẫu ở ấp Tân Điểm vẫn còn gặp một số khó khăn, như: không thể vận động hộ dân ban bờ mẫu để tiến hành cơ giới hóa các khâu trong sản xuất. Nguyên nhân là do có nhiều hộ dân thuê đất để canh tác nên chủ đất không đồng ý ban bờ mẫu; mỗi hộ dân làm ruộng đều nuôi khoảng 5 con bò trở lên, nên tận dụng rơm làm thức ăn cho bò, khi ban bờ mẫu sẽ khó khăn trong việc chia rơm. Cánh đồng mẫu ở ấp Tân Điểm không thể mở rộng diện tích mà phải hình thành thêm những cánh đồng mẫu khác do các thửa ruộng ngăn cách bởi trũng, đầm, đìa. Đầu ra sản phẩm vẫn còn lệ thuộc vào thương lái. Hiện, chưa có giống lúa nào thay thế giống lúa OC10 nên khoảng 80% diện tích đất trong Cánh đồng mẫu đều gieo sạ giống OC10. Xã đã vận động hộ dân hình thành 2 tổ nhân giống và nhờ Trung tâm Giống nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật để thuần chủng giống lúa OC10 cung cấp cho hộ dân gieo sạ.

Nguồn: Báo Đồng Khởi