Đứng trước thực trạng tỷ lệ hộ nghèo của xã còn khá cao so với mặt bằng chung của huyện, thời gian qua, Đảng ủy xã Tân Xuân (Ba Tri) đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần đảm bảo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Nhờ nuôi bò, kinh tế gia đình bà Phan Thị Thanh khá hơn trước đây.
Trong những năm qua, Tân Xuân luôn xác định kinh tế mũi nhọn là trồng trọt và chăn nuôi, trong đó cây lúa và con bò đóng vai trò chủ đạo. Trong năm 2011, tổng diện tích lúa gieo trồng qua 3 vụ trên 3.000ha, sản lượng đạt 13,7 ngàn tấn; tổng đàn bò của xã có trên 6.000 con, vượt 11% so với kế hoạch. Ngoài ra, người dân còn chăn nuôi heo, trâu, gia cầm với số lượng lên đến hàng ngàn con; tận dụng đất giồng, đất bờ kênh trồng cây màu với diện tích trên 10ha. Để giúp người dân nuôi, trồng đạt hiệu quả và năng suất cao, Đảng ủy xã đã định hướng cây, con giống kết hợp với việc mở các lớp tập huấn kỹ thuật. Qua đó, người dân đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô chăn nuôi, góp phần làm tăng sản lượng và chất lượng trên cây trồng, vật nuôi.
Là người đã từng tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi bò, do UBND xã phối hợp tổ chức, chị Phan Thị Thanh (ngụ tại ấp Tân Thanh 1) đã đầu tư và mở rộng quy mô chăn nuôi bò. Nếu như cách đây vài năm, gia đình chị Thanh chỉ nuôi từ một đến hai con bò thì đến nay, đàn bò của gia đình chị có trên 15 con. Chị Thanh chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi nuôi bò chỉ mang tính chất là “bỏ ống”, nhiều khi bò mắc bệnh chết thì xem như trắng tay. Tuy nhiên, sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò, chúng tôi chủ động hơn trong việc phòng ngừa các loại bệnh trên bò, chọn lựa con giống ...
Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) của xã chiếm 18,35% - khá cao so với mặt bằng chung của huyện. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Văn Kiệp - Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân cho biết, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương đang là nỗi băn khoăn của Đảng ủy xã. Đứng trước khó khăn và thách thức này, Đảng ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm đối với chính quyền địa phương, các đoàn thể, nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Đảng ủy xã cũng đã thống nhất đề ra trong Nghị quyết là hàng năm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên. Tuy chỉ tiêu thoát nghèo đề ra không cao, nhưng nhờ khả năng tái nghèo của các hộ rất thấp, cho nên tỷ lệ giảm nghèo như vậy là khả thi. Xã luôn quan tâm đến việc thoát nghèo cho từng đối tượng một cách căn cơ, vững chắc thông qua việc phối hợp với các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… đã giúp các hộ nghèo trong hệ thống mình.
Xác định một trong những nguyên nhân nghèo của người dân là thiếu đất sản xuất và thiếu vốn, các tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mở các lớp học nghề cho một số hộ nghèo không có đất sản xuất… Phương thức này được xã Tân Xuân xem như là giải pháp mang tính chiến lược và hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững.
Một trong những tổ chức đoàn thể thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo là Hội Cựu chiến binh xã. Hiện, Hội có 276 hội viên, tỷ lệ hội viên thuộc diện hộ nghèo chiếm 7,6%. Theo ông Nguyễn Bé Năm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, để giúp hội viên thoát nghèo, Hội tiến hành khảo sát hoàn cảnh của từng hội viên để từ đó có giải pháp hỗ trợ cụ thể. Nếu hội viên nào nghèo do thiếu đất sản xuất, Hội sẽ giới thiệu tham gia các lớp dạy nghề; nếu thiếu vốn thì Hội giới thiệu đến Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện để được vay. Ngoài ra, Hội còn tiến hành theo dõi, kiểm tra xem việc sử dụng vốn vay của các hộ nghèo có đúng mục đích không. Bằng hình thức này, Hội đã kéo giảm số hội viên thuộc dạng hộ nghèo một cách đáng kể và khả năng tái nghèo hầu như không có.
Những giải pháp giảm nghèo của xã Tân Xuân đã giúp người dân dần cải thiện được kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Ông Trương Văn Kiệp khẳng định: Công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng ủy xã Tân Xuân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, ngoài việc chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý chí vươn lên thoát nghèo, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn vay, định hướng cây trồng vật nuôi, cũng như phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi đến từng hộ nghèo trong xã.