Qua khỏi chợ Tân Xuân (Ba Tri), con đường nhựa liên xã đưa chúng tôi đến Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội Bến Tre (TT) vào một ngày trung tuần tháng 1-2011. Nắng trưa khá gắt. Gió nhẹ từ sông Ba Lai thổi vào cùng với khung cảnh thông thoáng, kiến trúc đẹp tại đây đã xua tan mệt nhọc của chúng tôi. Trung tâm là đơn vị trực thuộc Sở LĐTB&XH, với tổng số 35 cán bộ, công nhân viên (CBCNV) thực hiện chức năng chữa bệnh, giáo dục cho các đối tượng mại dâm và ma túy theo Nghị quyết 05 và Nghị quyết 06 ngày 29-1-1993 của Chính phủ.
Học viên lao động tại Trung tâm.
Ông Hoàng Thanh Mỹ - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Hiện, tại đây không có học viên là đối tượng mại dâm, có 46 học viên đang cai nghiện ma túy; có 43 người cai nghiện bắt buộc (trong đó có 2 nữ) và 3 người cai nghiện tự nguyện”. Trước đây, các đối tượng mại dâm và ma túy cùng người tâm thần lang thang được tập trung tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (xã Hữu Định, huyện Châu Thành). Sau đó, người tâm thần được tách riêng ở tại Trung tâm Bảo trợ người tâm thần (xã Hữu Định). Ngày 24-9-2010, Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội Bến Tre (tọa lạc tại ấp Tân An, xã Tân Xuân, Ba Tri) chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm được xây dựng trên diện tích 9,8 ha, gồm: khu hành chính (có nhiều phòng làm việc, trạm y tế, nhà tập thể…); khu học viên (được chia thành nhiều khu, phòng), sân thể thao, khu vực đất dành cho lao động, sản xuất… Người cai nghiện bắt buộc (thời hạn 2 năm), mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ 360 ngàn đồng tiền ăn. Người cai nguyện tự nguyện, gia đình phải đóng tiền, chi phí tháng đầu tiên khoảng 1,3 triệu đồng (gồm tiền thuốc cắt cơn, tiền điều trị, tiền ăn), những tháng còn lại chi phí khoảng 800 ngàn đồng. Hàng ngày, học viên học tập, sinh hoạt nhóm và lao động sản xuất theo hướng dẫn của giáo viên. Trong giờ nghỉ, học viên được xem tivi, nghe loa truyền thanh phát các chương trình phòng, chống ma túy, AIDS. Những học viên chấp hành tốt nội quy, được cán bộ quản lý phân công làm tổ trưởng, nhóm trưởng và hàng tuần đều có bình bầu học viên tốt theo tổ, nhóm để làm căn cứ đánh giá, xếp loại cho “ra trường” trước hạn. Mỗi học viên đều được mở “sổ tiết kiệm”, ghi chép cập nhật các khoản thu (từ tiền gia đình gửi vào hoặc tiền có được do trồng rau cải), chi (mua các vật dụng sinh hoạt cần thiết). Tính từ khi chuyển trụ sở hoạt động (24-9-2010) đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 12 học viên (trong đó có 3 người tự nguyện, cư ngụ ở TP.HCM) và quyết định cho 8 người trở về hòa nhập với cộng đồng.
Tại khu sản xuất, có một số học viên đang chăm sóc cải xanh. Tiếng cười, nói của họ trong lúc nhổ cỏ, tưới rau đã làm cho không khí lao động thêm phần sôi nổi. Những thanh niên này, đa số là con em của những gia đình có điều kiện kinh tế sung túc, chưa hề quen với công việc lao động. Giờ đây, họ đã cảm nhận được giá trị từ cọng cải, bó rau do chính bàn tay mình làm ra. Chị P. (phường 3, TP.Bến Tre) thố lộ: “Em rất hối hận vì đã không nghe lời cha mẹ, ham vui với bạn bè mà vướng vào ma túy”. P. kể, những lúc cô lên cơn vật vã, các cán bộ y tế ở Trung tâm như thầy Đấu, thầy Nhã, cô Duyên… đã hết lòng với bệnh nhân, ngày đêm thay phiên nhau chăm sóc, lo thuốc thang để cắt cơn nghiện. Năm 1999, đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường Đại học Văn Lang, nghe theo lời bạn bè rủ rê, P. sử dụng hê-rô-in rồi nghiện. Từ đó, P. bỏ dở việc học hành và làm bạn với ma túy. Giờ đây, nhìn dáng người tiều tụy với đôi môi sậm đen và nét mặt cằn cỗi của P., khó ai biết được cô gái này chỉ mới 30 tuổi. Trường hợp của anh T. (51 tuổi, quê ở Mỏ Cày Nam), nghiện ma túy năm 1985, được gia đình động viên cai nghiện, T. đã bỏ nhưng sau đó lại tái nghiện. Tài sản trong nhà anh đã lần lượt “ra đi” để đổi lấy ma túy, gia đình anh lâm vào cảnh khánh kiệt, T. bị đưa vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc. Giờ đây, khi T. biết suy nghĩ, thương cho hoàn cảnh vất vả của vợ con mình cũng là lúc anh đã bị nhiễm HIV. “Tôi đã lỡ vướng vào ma túy và phải chịu nhiều đau khổ, mất mát. Tôi có lời khuyên các bạn trẻ đừng bao giờ thử và đụng tới ma túy”, anh tâm sự.
Phó Giám đốc Trung tâm, y sĩ Nguyễn Văn Đấu chia sẻ: “Thời gian để cắt cơn đối với học viên khoảng 20 đến 30 ngày. Thông thường, khi mới cắt cơn, người nghiện phản đối rất quyết liệt và bị sốc, đội ngũ cán bộ y tế chúng tôi phải thay phiên nhau trực 24/24 để theo dõi diễn biến của con bệnh, nhằm có hướng xử lý thích hợp”. Đối với những học viên đã điều trị tại đây, sau khi cắt được cơn, Trung tâm thực hiện việc theo dõi, cấp phát thuốc hàng ngày, có cả thuốc kháng virus ARV (Anti-retrovirus). Vậy mà, nơi này cũng đã xảy ra sơ suất trong lúc mới chuyển học viên về cơ sở mới: anh N. (quê Giồng Trôm) là người cai nghiện bắt buộc, lợi dụng chốt cửa mới làm xong (chưa phù hợp) đã bỏ trốn, lực lượng nhân viên Trung tâm phối hợp cùng chính quyền địa phương phải mất bốn ngày mới tìm được anh. Ông Hoàng Thanh Mỹ - Giám đốc TT cho biết: “Nơi đây chỉ mới hoàn thành giai đoạn I của dự án, cơ sở có sức chứa khoảng 200 học viên. Chúng tôi hy vọng khi hoàn thiện giai đoạn II của dự án, chúng tôi sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện việc đào tạo nghề cho học viên sau cai nghiện”.
Tạm biệt Tân Xuân, chúng tôi nhớ những ánh mắt khát khao muốn được làm lại cuộc đời của những con người đã có một thời lầm lỡ, nhớ những hình ảnh tận tụy chăm sóc học viên của đội ngũ CBCNV TT. Mong rằng, nơi đây sẽ ngày càng hoàn chỉnh hơn, là mái ấm chung, góp phần giáo dục, hướng những mảnh đời lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng.